Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch chuyển đổi số (Quyết định số 1484/QĐ-BTC) để thúc đẩy chuyển đổi số của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm tạo sự thống nhất và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số của Bộ Tài chính, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ được phân công tại văn bản của Chính phủ hướng dẫn về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng nền tài chính số với mô hình được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, cung cấp dịch vụ chất lượng và phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Tài chính. Trong đó, Bộ Tài chính cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với lĩnh vực tài chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu để cá nhân, tổ chức chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.
Mục tiêu đặt ra là chuyển đổi số gắn với xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập. Chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của CMCN 4.0, kế thừa kết quả triển khai Chính phủ điện tử để từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành Tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính số, tham gia tích cực vào sự phát triển Chính phủ số. Năm 2022 cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Tài chính điện tử và phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Đến năm 2030 hình thành hệ sinh thái tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
Thứ nhất, cắt giảm, đơn giản hóa, tái cấu trúc, chuẩn hóa các TTHC; cung cấp dịch vụ trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng, giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu, đơn giản, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. Một số mục tiêu nổi bất như: 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật; Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia không phải cung cấp lại.
Thứ hai, thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc hiệu quả, nâng cao kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số cho cán bộ, công chức. Các mục tiêu cơ bản như 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị được thực hiện dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật); 90% hồ sơ công việc tại Bộ Tài chính được xử lý trên môi trường mạng; 100% công tác báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của Bộ Tài chính được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo lộ trình chung của Chính phủ, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; 50% hoạt động kiểm tra của Bộ Tài chính được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của Bộ Tài chính.
Thứ ba, doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển những dịch vụ mới, trong đó tối thiểu 50% dịch vụ công mới của Bộ Tài chính có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước; 100% các dịch vụ trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính; Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử một cửa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khả năng tương tác thuận tiện, trực tuyến trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và cung cấp dịch vụ trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Bộ Tài chính chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, tạo ra giá trị, lợi ích và đồng thuận xã hội. Bộ Tài chính chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, làm việc hiệu quả trên môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng, hệ thống…Đặc biệt trong phát triển dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ số sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, bảo đảm cập nhật, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); thực hiện chia sẻ, tích hợp dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với các địa phương; mở dữ liệu của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật; duy trì, phát triển, mở rộng các dịch vụ dữ liệu ngành Tài chính phục vụ nhu cầu khai thác của các các Bộ ngành địa phương cũng như người dân, doanh nghiệp; phát triển Hệ thống tích hợp Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các hệ thống xử lý nghiệp vụ chuyên ngành để cung cấp dịch vụ số, kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ công, tiếp thu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa theo nhu cầu người dân; có giải pháp khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Đồng thời, Bộ Tài chính đã giao trách nhiệm cho Ban chỉ đạo, tổ giúp việc chuyển đổi số của Bộ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch. Các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ đúng mục tiêu, yêu cầu, góp phần hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số của ngành tài chính.
Xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động tài chính, ngân hàng: Cơ hội, thách thức và khuyến nghị với Việt Nam
Làn sóng chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực này và hiện, hầu hết các ngân hàng đều đang có chương trình triển khai tập trung vào chuyển đổi số.
Chuyển đổi số ngành tài chính giúp tiết kiệm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2023, bên cạnh các chính sách về gia hạn, giảm, miễn thuế, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính cũng đã có nhiều bước tiến quan trọng.
Chuyển đổi số ngành Tài chính: Hướng đến hình thành hệ sinh thái tài chính số
Ngành Tài chính là ngành tiên phong trong chuyển đổi số.
Xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động tài chính, ngân hàng: Cơ hội, thách thức và khuyến nghị với Việt Nam
Làn sóng chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực này và hiện, hầu hết các ngân hàng đều đang có chương trình triển khai tập trung vào chuyển đổi số.
Chuyển đổi số ngành tài chính giúp tiết kiệm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2023, bên cạnh các chính sách về gia hạn, giảm, miễn thuế, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính cũng đã có nhiều bước tiến quan trọng.
Chuyển đổi số ngành Tài chính: Hướng đến hình thành hệ sinh thái tài chính số
Ngành Tài chính là ngành tiên phong trong chuyển đổi số.